Cuộc chiến vương quyền trong gia tộc người giàu nhất thế giới: Chủ tịch 73 tuổi chưa có ý định nghỉ hưu, 5 người con thi nhau chứng minh năng lực suốt nhiều thập kỷ vẫn chưa ai 'lọt mắt xanh'

Vượt qua Elon Musk để trở thành người giàu nhất thế giới, hiện Bernard Arnault đã 73 tuổi với tổng tài sản 196 tỷ USD và 5 người con tài giỏi. Tất nhiên, chuyện gì đến cũng sẽ phải đến với gia tộc kinh doanh hàng xa xỉ bậc nhất nước Pháp này.
Theo hãng tin Bloomberg, tỷ phú giàu nhất thế giới Bernard Arnault hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc kế thừa di sản đế chế của mình và những cuộc tranh giành, đấu đá trong gia tộc có sức nguy hiểm như thế nào.

Ví dụ điển hình nhất là “con mồi” Hermes International suýt chút nữa đã bị chính Arnault thâu tóm vì lục đục chuyện thừa kế, nhờ đó mà ông chủ LVMH nhận thức được rủi ro khi di chúc lại quyền quản lý cho con cái và người thân.

Thế rồi câu chuyện về các gia tộc như Murdochs, Kochs hay anh em nhà Ambani cũng khiến ông chủ LVMH, sở hữu hàng loạt thương hiệu lớn như Louis Vuitton, Dior, Tiffany, nhận ra mình phải làm gì đó để ngăn chặn một cuộc đấu đá giữa 5 người con tài giỏi của mình trước khi quá muộn.
Do đó, Arnault đã thiết lập nên một công ty kiểm soát các phần tài sản chia đều giữa những người con, đồng thời đảm bảo rằng LVMH vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát của gia tộc nhiều thập niên nữa chứ không tan tành vì tranh giành quyền thừa kế.

Đối với cổ đông, họ chẳng quan tâm gì nhiều khi LVMH đem lại lợi nhuận tốt, nên ai lên nắm quyền cũng chẳng quan trọng. Bất chấp dịch bệnh, lạm phát hay nguy cơ khủng hoảng, ngành hàng xa xỉ của LVMH vẫn làm ăn tốt với 75 nhãn hàng thuộc quyền sở hữu của tập đoàn đều tăng trưởng mạnh. Hiện LVMH là công ty có tổng mức vốn hóa lớn nhất Châu Âu với hơn 400 tỷ Euro, tương đương 433 tỷ USD.

Chủ tịch trọn đời?

Những ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí thừa kế LVMH là chị cả Delphine (47 tuổi), Antoine (45 tuổi) là 2 con của người vợ đầu. Tiếp đó là Alexandre (30 tuổi), Frederic (28 tuổi) và Jean (24 tuổi) của người vợ hiện tại.

Động thái gây chú ý nhất của Arnault là đưa Delphine lên làm giám đốc của Christian Dior Couture vào tháng 1/2023 thay thế người con thứ 2 chỉ sau vài tháng, còn bản thân Antoine thì chuyển về trụ sở chính LVMH. Cả 2 người con của vợ đầu này đều đã giành nhiều thập niên chứng tỏ bản thân trong tập đoàn.

Về phía 3 người con của vợ hiện tại, chúng cũng đều đang thăng tiến nhanh với các chức vụ quan trọng trong LVMH, báo hiệu một cuộc cạnh tranh đầy gay cấn nếu xảy ra.

“Mỗi thời điểm chuyển giao quyền lực giữa các công ty gia đình trị đều là giai đoạn dễ bị tổn thương nhất. Thông thường các thành viên gia đình kiểu này sẽ coi bản thân là người góp phần xây dựng nên tài sản và có quyền lên tiếng, do đó tạo động cơ để họ níu giữ quyền lực trong công ty lâu hơn”, giáo sư Raffi Amit của trường đại học Wharton School nhận định.
Hiện Arnault đang là chủ tịch LVMH và cũng không có ý định nghỉ hưu sớm. Tháng 4/2022, vị tỷ phú này đã dùng quyền lực của mình để thay đổi điều lệ công ty, nâng số tuổi nắm giữ chức vụ chủ tịch thêm 5 năm thành 80 tuổi.

Tất nhiên với tình hình kinh doanh tốt, chẳng cổ đông nào muốn gây sự với Arnault hay đặt câu hỏi về chuyện thừa kế. Nguồn tin thân cận của Bloomberg cho biết vị tỷ phú này thậm chí còn đang có kế hoạch nâng tuổi lên tiếp, một số còn cho rằng có lẽ Arnault sẽ ngồi trên vị trí đó đến khi qua đời.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết Arnault chẳng bao giờ xem các seri truyền hình về đấu đá thừa kế, tranh giành vương quyền của đài HBO, nhưng vị tỷ phú này lại quá hiểu hậu quả nếu để 5 người con của mình xâu xé lẫn nhau khi mình qua đời.

Điển hình như gia tộc tỷ phú Murdoch đã chứng kiến cảnh các người con đấu đá lẫn nhau ngay trước mắt người cha 91 tuổi Rupert. Thế rồi anh em nhà Ambani ở Ấn Độ cũng trở mặt thành thù khi người cha mất đột ngột năm 2002 mà không để lại di chúc, khiến cả 2 phải dắt nhau ra tòa án và cuối cùng phải chia tách di sản.

Nổi tiếng hơn nữa phải kể đến gia tộc Koch với đế chế Koch Industries. Năm 1967, người cha Fred qua đời để lại đế chế này cho 4 người con nhưng vào năm 1980, đứa con William đã bị gạt ra ngoài lề sau khi cố gắng chiếm quyền kiểm soát công ty từ tay các anh em.

Đến năm 1983, 2 người con Charles và David đã quyết định mua lại cổ phần từ William và anh cả Frederick với giá 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên cuộc chiến pháp lý giữa các thành viên trong gia đình còn tiếp diễn cho đến gần 20 năm sau đó.

Quay trở lại với gia đình Arnault, cả 5 người con của ông đều hứng thú với công việc gia đình và chắc chắn nếu người cha không có phương án dự phòng, việc LVMH bị chia tách sẽ chỉ là câu chuyện sớm hay muộn.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tổng tài sản của Arnautl đã tăng gần 34 tỷ USD lên 196 tỷ USD.
Cuộc chiến vương quyền?

Năm 2022, Arnault đã cho ra mắt Agache, một công ty được thành lập nhằm đảm bảo việc chuyển giao di sản cũng như phòng tránh cạnh tranh khi vị tỷ phú này qua đời.

Agache kiểm soát Christian Dior và gián tiếp năm giữ 41% LVMH. Tổng cộng gia đình Arnault nắm giữ 48% cổ phần của LVMH và gần 64% quyền bỏ phiếu, khiến khả năng gia tộc này mất quyền kiểm soát công ty lớn nhất Châu Âu là rất nhỏ.

“Điều quan trọng mà những nhà sáng lập muốn các con mình hiểu là nếu có sự xung đột giữa chúng thì nó có thể ảnh hưởng đến cả tập đoàn. Tình hình sẽ còn phức tạp hơn nữa nếu đến đời cháu chắt”, chuyên gia Philippe Pele Clamour của trường HEC Paris nhận định về LVMH.

Theo quy định của công ty, những người con của Arnault không được phép bán cổ phần của mình trong Agache trong vòng 30 năm nếu không có sự chấp thuận của hội đồng quản trị.

Đặc biệt, quy định còn nêu rõ Agache chỉ chấp nhận thành viên hội đồng quản trị là con cháu mang dòng máu của 5 người con trực hệ với Barnard Arnault.

Sau thời hạn 30 năm, chỉ những hậu duệ trực tiếp của barnard Arnault mới có quyền nắm giữ cổ phần của Agache và gia đình, người thân trong gia tộc này có quyền mua ưu tiên.

Những quy định nghe khá trớ trêu này của Arnault bị ảnh hưởng từ chính chiến lược thâu tóm, bành trướng đế chế của mình.

Vào mùa thu năm 2010, LVMH tuyên bố nắm giữ 17% cổ phần Hermes, thương hiệu 177 năm lịch sử với 6 thế hệ. Đây là chiến dịch thâu tóm bắt đầu từ năm 2007 khi Bernard Arnault thương lượng với một vài người thừa kế Hermes muốn bán cổ phần lấy tiền mặt là đã có được số cổ phần trên.

Đây là điểm yếu chết người của những đế chế di chúc tài sản cho đời sau mà không có một biện pháp phòng vệ, điều mà Arnault nhận thức rất rõ. Thương hiệu Hermes đã niêm yết từ năm 1993, hầu hết cổ phiếu của công ty này nằm trong tay khoảng 60 người thừa kế và được chia thành nhiều nhánh khác nhau.

Tại thời điểm đó, giới phân tích tin rằng Arnault, người được mệnh danh là “con sói mặc đồ cashmere”, sẽ chỉ mất vài tuần để nuốt chửng con mồi Hermès. Thế nhưng hơn 10 năm trôi qua và gia tộc Hermes không chủ mất quyền kiểm soát mà còn đánh bật LVMH ra khỏi cuộc chơi này. Năm 2017, LVMH chính thức từ bỏ việc thâu tóm Hermes.
Bernard Arnault thời trẻ

Quay trở lại câu chuyện, quỹ đầu tư Carmignac từng nghiên cứu hàng trăm đế chế doanh nghiệp gia đình trị trên thế giới và đưa ra kết luận mức lợi suất mà thế hệ đầu đem lại cao gấp đôi so với khi thế hệ thứ 5 lên nắm quyền. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự bất đồng quan điểm quản lý của những thế hệ điều hành.

Dù không công bố lợi nhuận của từng thương hiệu nhưng theo phân tích của ngân hàng HSBC vào tháng 12/2022, Louis Vuitton đứng đầu danh sách với ước tính 11 tỷ Euro lợi nhuận năm ngoái, cao gấp 3 lần nhãn hàng Dior Couture được quản lý bởi người con cả Delphine.

Tệ hơn, thương hiệu Tiffany được quản lý bởi người con thứ 3 chỉ đem về hơn 1 tỷ Euro lợi nhuận năm 2022. Các thương hiệu như đồng hồ Loro Piana của Tag Heuer hay giàu Berluti của người con thứ 4 đều không lọt vào top 10 nhãn hàng đem về nhiều lợi nhuận nhất cho LVMH.

Băng Băng
Theo Bloomberg, Nhịp sống thị trường
Bookmark and Share      In      Gửi phản hồi
 
* Họ và tên
* Email (will not be published)
!
 
Các bài viết: