Elon Musk trở thành người 'không thể đụng đến': Kiểm soát 5 công ty trên khắp các lĩnh vực, tự đưa ra nhiều quyết định 'vượt mặt' cả chính phủ Mỹ

Tầm ảnh hưởng quá lớn của Elon Musk đang khiến chính phủ Mỹ "nóng mắt".
Elon Musk đã trở thành 'đối tượng không thể đụng đến', giống hệt siêu anh hùng ‘Iron Man’ Tony Stark

Với những người hâm mộ siêu anh hùng “Iron Man” Tony Stark, có lẽ phiên bản ngoài đời thực gần sát nhất với nhân vật này không ai khác ngoài tỷ phú Elon Musk.

Thật vậy, hãng tin Bloomberg cho biết kể từ khi thâu tóm Twitter với giá 44 tỷ USD, Elon Musk hiện đang kiểm soát đến 5 công ty trải dài từ vận tải, hàng không, y tế, viễn thông cho đến mạng xã hội. Tất cả những doanh nghiệp này đều ít nhiều có sự liên quan đến chính phủ Mỹ, qua đó tạo nên “sức ảnh hưởng vô song trên toàn cầu” (Unmatched Global Clout) cho vị tỷ phú nhà Tesla.

Thế nhưng cũng tương tự như những gì xảy ra với Tony Stark trong truyện tranh, sự nổi tiếng và quyền lực thường đi đôi với tai tiếng cũng như sự “khó chịu” từ chính phủ. Nếu Tony Stark trong truyện bị ép phải giao ra công nghệ lò phản ứng hồ quang của bộ giáp siêu anh hùng thì Elon Musk ngoài đời lại gặp rắc rối kiểu khác.
Elon Musk chụp hình chung cùng Nailya Asker Zade tại chung kết World Cup Qatar năm 2022

Nóng mắt

Trong trận chung kết World Cup 2022 tại Qatar, trong khi Argentina trở thành tâm điểm nhờ chức vô địch thì trên khán đài, Elon Musk cũng khiến nhiều quan chức Mỹ phải nóng mắt. Theo Bloomberg, việc nhà sáng lập Tesla đứng cười đùa chụp hình chung với Nailya Asker Zade, một người nổi tiếng của đài truyền hình quốc gia Nga đã khiến chính quyền Washington không hài lòng.

Dù Elon Musk chẳng biết người phụ nữ xinh đẹp này là ai cũng như không chuyện trò gì với cô ta nhưng theo Bloomberg, việc ông chủ của SpaceX, nhà thầu tên lửa quan trọng nhất của Mỹ và đã có giấy phép an ninh liên bang, bị tiếp cận trong bối cảnh nhạy cảm khiến các quan chức Mỹ khá lo lắng.

Không riêng gì SpaceX, đế chế Tesla của Elon Musk hiện cũng đang là quân bài chiến lược của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chiến dịch chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường cũng như thúc đẩy ngành công nghệ trong nước trước Trung Quốc.

Nếu SpaceX góp phần hiện thực hóa khám phá vũ trụ của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thì Starlink, hãng tư nhân sở hữu lượng vệ tinh nhiều nhất thế giới, lại đóng vai trò chiến lược trong việc phát triển viễn thông, Internet dân dụng cũng như có thể áp dụng cho quốc phòng.

Thế nhưng không dừng lại ở đó, Elon Musk với cách hành xử bất cần tương tự Tony Stark đã liên tục có những bài đăng trên Twitter khiến Nhà Trắng phải “đau tim”.

Kể từ khi mua lại Twitter, Elon Musk đã nới lỏng việc quản lý nội dung trên mạng xã hội này, khiến vô số những thông tin sai lệch, giả mạo tràn ngập. Đôi khi trên chính trang cá nhân của mình với gần 132 triệu người theo dõi, Elon Musk đã bày tỏ những quan điểm chính trị cá nhân dù biết chúng có thể ảnh hưởng thế nào.

Không chỉ nói về chính trị trong nước, Elon Musk còn mạnh miệng đề cập đến vấn đề quốc tế như Iran hay Ukraine. Chính sự bất cần này của Elon Musk đã thổi bùng lên phong trào tự do ngôn luận trên Twitter.

Tình hình nghiêm trọng đến mức Ủy ban thương mại liên bang (FTC) đã nói chuyện với ít nhất 2 cựu nhân viên Twitter để đánh giá tình hình, đồng thời lên kế hoạch điều tra việc quản lý của Elon Musk với nền tảng mạnh xã hội này nhằm đảm bảo quy định riêng tư cá nhân đã ban hành năm 2011.

Hãng tin Bloomberg cho hay nhiều quan chức chính phủ Mỹ đang khá lo ngại sức ảnh hưởng quá lớn của Elon Musk nhờ khối tài sản khổng lồ, tầm quan trọng của những doanh nghiệp mà vị tỷ phú này sở hữu cũng như những chính trị gia đồng minh đang khiến nhà sáng lập Tesla trở nên “không thể đụng đến”.
Ví dụ việc Elon Musk đơn phương quyết định việc sẽ cho Ukraine sử dụng mạng lưới dịch vụ Internet Starlink của mình như thế nào. Thế rồi vai trò của Elon Musk trong vấn đề Trung Quốc cho mảng xe điện, Trung Đông cho mảng mạng xã hội... đều là những vấn đề cực kỳ nhạy cảm.

Phía Bloomberg cho biết một quan chức giấu tên của Mỹ đã coi Tesla thực tế là một hãng xe điện Trung Quốc được nhận trợ cấp từ chính phủ Mỹ. Nhà máy của hãng này tại Thượng Hải sản xuất đến hơn 50% thành phẩm cho Tesla trong năm 2023.

Theo Bloomberg, nhiều quan chức chính phủ tham gia cuộc phỏng vấn đã đề nghị được giấu tên vì tầm ảnh hưởng quá lớn của Elon Musk, cũng như những hệ lụy khi bàn bạc đến vấn đề này.

Đế chế lớn dần

Đế chế kinh doanh của Elon Musk đang xung đột khá nhiều với các cơ quan chức năng liên bang. Trong khi câu chuyện đóng thuế, bán cổ phần Tesla để mua Twitter tạm lắng xuống năm 2022 thì Bộ tư pháp, Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) và Hội đồng an toàn giao thông cao tốc quốc gia Mỹ (NHTSA) lại bắt đầu một vòng điều tra mới về công nghệ xe tự lái của Tesla.

“Khi các doanh nghiệp làm đúng thì chúng tôi cho qua, còn nếu sai hoặc có vấn đề thì chúng tôi sẽ có mặt để đảm bảo mọi thứ được giải quyết”, Bộ trưởng giao thông vận tải Mỹ Pete Buttigieg trả lời Bloomberg vào ngày 13/3/2023, thế nhưng vị quan chức này lại khá ngập ngừng khi được hỏi thêm về Elon Musk.

Cũng theo Bloomberg, một số quan chức dự đoán vào tương lai không xa, chính phủ có thể cần phải chia tách đế chế của Elon Musk như đã từng làm với tỷ phú dầu mỏ John D.Rockefeller hơn 1 thế kỷ trước. Dẫu vậy hiện rất nhiều toà án Mỹ trong hàng thập niên trở lại đây đều phủ quyết việc chia tách, phá vỡ lòng tin doanh nghiệp như vậy.

Không chịu từ bỏ, nhiều quan chức đang cân nhắc có nên tạo một ủy ban liên ngành để bí mật xem xét lại thương vụ mua Twitter của Elon Musk hay không. Ví dụ như Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) có thể ngăn chặn giao dịch của các công ty có yếu tố nước ngoài gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Trong thương vụ Twitter của Elon Musk đã có sự tham gia tài chính của ít nhất 3 thực thể nước ngoài gồm Thái tử Alwaleed bin Talal của Ả Rập Xê Út, nhà sáng lập Changpeng Zhao của sàn tiền số Binance và một quỹ đầu tư của Qatar.

Nguồn tin của Bloomberg cho hay việc có nhiều yếu tố nước ngoài tham gia thương vụ này khiến các quan chức cực kỳ lo lắng khả năng mất cắp dữ liệu người dùng, truy cập thông tin cá nhân gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Không dừng lại ở đó, tầm ảnh hưởng quá lớn của Elon Musk cũng khiến việc tỷ phú này thân thiết, tài trợ cho chính trị gia nào trở thành yếu tố tác động lớn đến chính trường Mỹ.

“Phải thừa nhận sự thật là các tỷ phú có công rất lớn với nền kinh tế Mỹ. Thế nhưng không nên vì vậy mà không sử dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn yếu tố nước ngoài ảnh hưởng đến chính trường Mỹ”, Nghị sĩ Chris Murphy của bang Connecticut nhận định.

Tuy nhiên, ý tưởng thành lập ủy ban liên danh trên đã bị Bộ thương mại Mỹ bác bỏ.

Gánh nặng

Thông tin của Bloomberg cho thấy kể cả trước khi mua lại Twitter, trang mạng xã hội có nhiều chính trị gia và người nổi tiếng, thì Elon Musk cũng đã có tầm ảnh hưởng khá lớn với chính quyền Washington.

Bởi SpaceX là một đối tác quan trọng với ngành hàng không cũng như an ninh quốc phòng Mỹ, nhận được hợp đồng gần 3 tỷ USD của liên bang trong năm 2022, nên cả Elon Musk và đội ngũ vận động hành lang đã phải hoạt động suốt nhiều năm trời tại Nghị viện để thúc đẩy các bộ luật có lợi cho mình.

Theo Bloomberg, Elon Musk đang dần chuyển mình từ một CEO bình thường sang hơi hướng của những siêu anh hùng tỷ phú đầy cá tính trong truyện tranh. Nhà sáng lập Tesla này đã hút thuốc trên sóng truyền hình trực tiếp, gây khó chịu với cổ đông Tesla hay nhân viên SpaceX cùng vô số những hành vi bất thường khác.
Thậm chí, hành vi bốc đồng đăng bài của Elon Musk, đùa rằng mình đã dùng chiêu trò để đẩy giá cổ phiếu Tesla cũng đã khiến SEC vào cuộc điều tra với án phạt 20 triệu USD, đồng thời là nguyên nhân khiến cổ đông kiện vị tỷ phú này.

Trớ trêu thay, việc Elon Musk nằm trong rất nhiều dự án chiến lược quan trọng của chính phủ, từ việc phát triển xe điện đến công nghệ hàng không khiến mối quan hệ của nhà sáng lập này với giới chính trị Mỹ trở nên cực kỳ phức tạp.

Băng Băng
Theo Bloomberg, Nhịp sống thị trường
Bookmark and Share      In      Gửi phản hồi
 
* Họ và tên
* Email (will not be published)
!
 
Các bài viết: