Quách Thị Lan: Viên ngọc thô xứ Mường trở thành 'nữ hoàng điền kinh Việt', giành vé đặc cách vào phút chót và làm nên lịch sử tại Olympic Tokyo 2020

Ở cự ly 400m rào - nội dung khó nhất và yêu cầu cao nhất của điền kinh tại Olympic, và Quách Thị Lan là VĐV gốc Á duy nhất và cũng là 1 trong 2 VĐV điền kinh châu Á (người còn lại là Aminat là VĐV người Bahrain gốc Nigeria) được thi đấu ở nội dung này. Điều tuyệt vời nhất, cô đã làm nên kì tích cho lịch sử điền kinh Việt Nam bằng việc đi sâu vào bán kết Olympic Tokyo 2020.
ĐOÁ HOA NỞ MUỘN

Quách Thị Lan không còn là cái tên xa lạ với điền kinh Việt Nam trong khoảng 2 năm trở lại đây. Cô sinh ra và lớn lên tại huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa (dân tộc Mường). Năm 2009, khi học lớp 9 trường nội trú của huyện, Lan được chọn lên đội tuyển điền kinh năng khiếu của tỉnh.

Tại giải điền kinh VĐQG 2012, Quách Thị Lan đã khiến tất cả phải sững sờ. Không chỉ đoạt HCV, với thành tích 57"36 Lan đã phá kỷ lục cũ trước đó 10 năm của VĐV Nguyễn Thanh Hoa (57"97). Kỷ lục của Lan được đánh giá rất cao khi vượt thành tích HCV SEA Games 26 và tương đương thành tích HCĐ Asiad. Không chỉ gây sốc ở nội dung 400m rào, Lan đoạt thêm HCV ở nội dung 400m nữ. Sau đó, Quách Thị Lan giành HCB ở SEA Games 2013 với thành tích 53 giây 38. Tuy nhiên, đó không phải là thành tích để đời với Quách Thị Lan.

Hai năm sau khi lên ĐTQG, Quách Thị Lan từng đoạt huy chương bạc ASIAD 2014. Nhưng những tấm huy chương vàng chỉ thực sự đến với cô sau nửa thập kỷ rèn luyện. Đó có thể xem là muộn đối với một vận động viên điền kinh chuyên nghiệp của Việt Nam. Những tấm huy chương vàng giải điền kinh châu Á đến với cô vào năm 2017, tức là phải sau 5 năm Quách Thị Lan đến với điền kinh đỉnh cao. Tương tự, hai tấm huy chương vàng SEA Games cũng chỉ đến với Lan ở các năm 2015 và 2017.
Tấm HCB của Quách Thị Lan tại Asiad 17

Đáng chú ý nhất là trường hợp tấm huy chương vàng ASIAD 2018. Phải tới năm 2019, tức là sau 1 năm, Quách Thị Lan mới được nhận. Lý do là bởi VĐV người Bahrain Kemi Adekoya bị tước huy chương do dính doping. Hạnh phúc nơi cuối con đường đến với Lan cứ chậm rãi như vậy.

Tại OLympic Tokyo 2020, Quách Thị Lan tiếp tục gây nên sửng sốt. Cán đích hạng 5 ở lượt chạy thứ 3 vòng loại 400m rào môn điền kinh diễn ra hôm nay, nhưng nữ hoàng điền kinh Việt Nam Quách Thị Lan vẫn đoạt vé vào bán kết nhờ 1 trong 4 đối thủ về đầu phạm luật.

Lượt chạy của Quách Thị Lan có sự góp mặt của VĐV nắm giữ kỷ lục thế giới McLaughlin (Mỹ) nên trở thành tâm điểm. Tâm lý căng thẳng khiến 1 VĐV xuất phát lỗi nên bị cảnh cáo. Tiếp đến VĐV Knight Jessie (Anh) té ngã vào rào nên bỏ cuộc giữa chừng.
Quách Thị Lan xuất phát khá chậm ở đường chạy số 8 nhưng thi đấu đầy nỗ lực, nằm trong nhóm những VĐV dẫn đầu. Nữ hoàng điền kinh quê Thanh Hóa tăng tốc ở những mét cuối nhưng bị 1 đối thủ vượt qua nên về đích hạng 5. Tuy nhiên sau đó trọng tài công bố kết quả Quách Thị Lan xếp hạng 4 cùng tấm vé vào bán kết do VĐV Nugen Leal (Jamaica) về hạng 4 nhưng phạm lỗi kỹ thuật nên bị loại. McLaughlin dễ dàng về nhất với thành tích 54 giây 65, về nhì là Gianna (Panama) với thành tích 55 giây 49 và về hạng ba là Sara Slott (Đan Mạch) với thành tích 55 giây 52.

Thành tích mà Quách Thị Lan đạt được là 55 giây 71, kèm thành tích tốt nhất của cô là 55 giây 30 nhưng là thành tích tốt nhất trong năm nay. Liên đoàn điền kinh Việt Nam thưởng nóng 30 triệu đồng cho thành tích vào bán kết ấn tượng của Quách Thị Lan.
Quách Thị Lan (giữa) bất ngờ đoat vé vào bán kết 400m rào Olympic Tokyo.
ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

CÔ GÁI KHIÊM NHƯỜNG VÀ NHỮNG MONG ƯỚC "RẤT ĐỜI"

Ít ai biết rằng, Quách Thị Lan chỉ bắt đầu đi tập điền kinh khi đã 16 tuổi. Lúc bấy giờ, sau một kỳ thi ở giải trường, cô gái cao 1m70 này được các giáo viên trong trường tạo điều kiện để hướng theo con đường thể thao chuyên nghiệp. Tập được 5 tháng ở Thanh Hoá, cô gái quê Ngọc Lặc của xứ Thanh khăn gói lên đường ra Từ Sơn, Bắc Ninh. Từ đó trở đi, Quách Thị Lan chính thức đi theo con đường chuyên nghiệp của môn thể thao nữ hoàng.

Cô không mất nhiều thời gian để góp mặt trên ĐTQG. Bởi chỉ một năm sau đó, Lan đã được chấm vào diện có thể ganh đua huy chương ở nội dung 400m và 400m rào. Nhưng xuất phát điểm quá muộn lại đan xen với việc rút ngắn quá trình tuyển chọn lên thi đấu đỉnh cao khiến Lan cũng phải trải qua những áp lực về chấn thương. Cô thừa nhận chân của mình hơi yếu so với mọi người, vì không có thời gian rèn giũa ở một độ tuổi sớm hơn khi đó. Chấn thương gối trở thành mãn tính với vận động viên người Thanh Hoá. Những chấn thương nặng, nhẹ khác nhau khiến Lan cũng quen với cái đầu gối mong manh của mình.

Trong một lần bày tỏ với báo giới, Quách Thị Lan chia sẻ khoảng 1-2 năm nữa, khi bắt đầu gần đến cột mốc 30 tuổi, cô sẽ nghiêm túc nghĩ đến chuyện lập gia đình và sinh con. Với một VĐV điền kinh, điều ấy cũng có nghĩa rằng việc theo đuổi sự nghiệp đỉnh cao sẽ không còn được duy trì như trước.

Ở gần vạch đích của sự nghiệp chuyên nghiệp, Quách Thị Lan bất ngờ nhận được món quà từ Olympic Tokyo 2020. Cô được Liên đoàn Điền kinh Thế giới và Ủy ban Olympic Quốc tế chấp nhận suất đặc cách tham dự Olympic Tokyo 2020 do Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đề cử. Đây là suất đặc cách dành cho quốc gia không có VĐV giành vé trực tiếp và cô cũng sẽ là đại diện duy nhất của điền kinh Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020.
Trước giờ lên đường tham dự Olypic Tokyo 2020, Quách Thị Lan chia sẻ: "Nói không có áp lực thì cũng không phải bởi có một chút hồi hộp khi lần đầu tiên mình được tham dự một giải đấu lớn như vậy. Tuy nhiên việc được cọ xát với những VĐV có thành tích rất tốt trên thế giới cũng là động lực để mình cố gắng nhiều hơn, học hỏi được nhiều”,

Và, chính sự khiêm nhường, tôn trọng đối thủ và không ngừng nỗ lực đó, đoá hoa nở muộn Quách Thị Lan đã làm nên điều kì diệu. 

Đặc biệt, Quách Thị Lan bật mí việc cô chưa thể hiện hết được khả năng của mình tại vòng loại và quyết tâm làm tốt hơn ở bán kết: “Trong phần thi ngày hôm nay, có một điều đáng tiếc là tôi bị lỗi kỹ thuật ở 2 rào cuối. Tôi sẽ quyết “phục thù” ở lượt chạy bán kết. Được chạy với 24 VĐV hàng đầu thế giới là vinh dự lớn với tôi. Việc được có mặt và thi đấu tại Olympic Tokyo 2020 đã giúp tôi có cơ hội học hỏi, hoàn thiện hơn mình, đặc biệt là rèn luyện bản lĩnh thi đấu”.

Bán kết 400m rào nữ sẽ diễn ra vào lúc 18h23' ngày 2/8. Tại bán kết, 24 VĐV này được chia thành 3 đợt, mỗi đợt sẽ lấy 2 VĐV về nhất và nhì (6 VĐV) cùng với 2 VĐV về thứ 3 có thành tích tốt nhất trong 3 đợt để chọn ra top 8 vào vòng chung kết tranh huy chương.

Ngọc Tú
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Bookmark and Share      In      Gửi phản hồi
 
* Họ và tên
* Email (will not be published)
!
 
Các bài viết: