Tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới: Thần đồng 2 tuổi thuộc làu bảng tuần hoàn hoá học, 10 tuổi tự viết phần mềm, thành công từ chính ý tưởng bị Elon Musk gọi là "ngu ngốc"

Chỉ sau một đêm, doanh nhân Austin Russell trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới ở tuổi 25.
Cuộc đua thương mại hóa công nghệ xe tự lái đã thu hút hàng tỷ USD đầu tư nhưng không tạo ra nhiều tỷ phú. Song nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Luminar Technologies - Austin Russell - nằm trong số trường hợp ngoại lệ.

Có lẽ, ngày 3/12/2020 là dấu mốc đáng nhớ đối với Austin Russell. Đây là ngày công ty Luminar Technologies của anh được niêm yết trên Nasdaq. 104,7 triệu cổ phiếu của Austin Russell, tương ứng khoảng một phần ba vốn chủ sở hữu của Luminar, đã có trị giá tới 2,4 tỷ USD (hơn 55 nghìn tỷ đồng) vào thời điểm kết thúc giao dịch ngày 3/12.

Sau một đêm, Austin Russell trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới ở tuổi 25, theo Forbes. Trước đó, anh từng được gọi tên trong danh sách "30 Under 30" của tạp chí này vào năm 2018. 3 năm sau, tên Austin Russell xuất hiện trong "40 Under 40" của Fortune.

Hiện, anh sở hữu khối tài sản ròng trị giá hơn 36,7 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, Austin Russell đã đạt được những thành tích đáng chú ý từ rất lâu trước khi trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới.
Austin Russell là tỷ phú tự thân trẻ tuổi nhất. Ảnh: @luminartech.

Thần đồng bỏ ngang chuyện học để lập nghiệp
 
Austin Russell (1995) sinh ra trong gia đình khá giả ở thành phố xa hoa Newport Beach, California, Mỹ. Cha anh là Michael Russell làm việc trong các khu thương mại, còn mẹ Shannon Cleye là cựu người mẫu kiêm diễn viên trong "The Young and The Restless".

Ở tuổi mà hầu hết trẻ còn mặc tã và mới biết đi, Austin Russell đã thuộc làu bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học. Lúc ấy, Austin Russell 2 tuổi được coi là thần đồng quang học.

Khi ở độ tuổi 10-11, anh đã biết viết phần mềm. Austin Russell từng lập trình firmware (phần lõi) cho thiết bị chơi gam cầm tay, biến nó thành điện thoại di động vì cha mẹ không mua cho anh. "Nó thực sự hoạt động tốt," anh nói.

Đến năm 13 tuổi, Austin Russell tiếp tục khiến mọi người ấn tượng với tài năng của anh khi đăng ký bằng sáng chế đầu tiên cho hệ thống tái chế nước ngầm để tái sử dụng nước từ các vòi phun.

2 năm sau, cha mẹ Austin Russell giới thiệu anh với doanh nhân laser Jason Eichenholz. Ông sau đó trở thành người cố vấn của Austin Russell, gia nhập Luminar với tư cách là đồng sáng lập và giám đốc công nghệ.
Thần đồng quang học Austin Russell. Ảnh: CNBC Make It.

Thay vì học trung học, Austin Russell đã trải qua những năm thiếu niên nghiên cứu tại Viện laser Irvine Beckman ở Đại học California. Sau đó, anh vào Đại học Stanford để nghiên cứu vật lý ứng dụng. Mới "chân ướt chân ráo" vào trường nhưng Austin Russell đã nhận được khoản đầu tư trị giá 100.000 USD (gần 2,3 tỷ đồng) từ Học bổng Thiel của tỷ phú Peter Thiel.

Thần đồng quang học khi đó quyết định cắt ngang sự nghiệp đèn sách và thành lập công ty Luminar Technologies ở tuổi 17.

Chia sẻ về lý do bỏ học với Forbes, Austin Russell cho biết: "Khi bạn có động lực để xây dựng và sáng tạo, rất khó để làm được điều đó trong môi trường học thuật".

Khác với hầu hết bạn bè cùng trang lứa, Austin Russell không dùng mạng xã hội. Song anh thừa nhận đã tích luỹ kiến thức từ việc sử dụng Wikipedia và YouTube.

Công việc kinh doanh bắt đầu, từng bị Elon Musk chỉ trích
 
Cha mẹ của Russell "hơi nghi ngờ" về quyết định bỏ học của Austin Russell. Tuy nhiên, việc có người con là thần đồng, từng xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu trong garage năm 11 tuổi khiến họ bớt lo hơn.

Với tốc độ phát triển của phần cứng và quang tử, nếu đợi đến khi tốt nghiệp mới xây dựng công ty, Austin Russell e ngại khi ấy đã quá muộn.
Ảnh: Forbes.

Mặc dù thành lập công ty năm 2012, Austin Russell đã trải qua vài năm mới đạt được vị thế tỷ phú. Anh muốn tạo ra "doanh nghiệp bền vững và tạo ra tương lai tự chủ cho tất cả nhà sản xuất ô tô".

Ngay sau khi thành lập công ty, Jason Eichenholz đã tham gia vào với tư cách người đồng sáng lập và giám đốc công nghệ. Công ty đã dành 5 năm đầu tiên ở chế độ "tàng hình". Đây là chiến lược kinh doanh, dùng để ẩn chi tiết về một sản phẩm cho đến khi nó được khởi chạy, giúp sản phẩm không bị đạo nhái trước khi chính thức được trình làng.

Thay vì mua các linh kiện, Austin Russell đã tự thiết kế và sản xuất các thành phần lidar của Luminar. Mục tiêu của anh là phát triển và tạo ra công nghệ lidar với độ phân giải và phạm vi được cải thiện.

Sau khoảng thời gian ẩn mình, công ty quyết định xuất hiện vào tháng 4/2017 và nhận được 36 triệu USD (hơn 800 tỷ đồng) trong vòng gọi vốn series A. Số tiền này giúp họ sản xuất 10.000 chiếc lidar ô tô từ nhà máy ở Orlando.

Một vài tháng sau, công ty thông báo đã thiết lập quan hệ đối tác với bộ phận nghiên cứu và phát triển của Toyota, nơi tập trung vào xe tự hành, robot và AI có tên là Toyota Research Institute. Ngày nay, cảm biến lidar của Luminar được sử dụng bởi các khách hàng ô tô lớn như Volvo, Toyota và Mobileye của Intel. Họ đã mở cửa thị trường cho các công ty quốc tế.

Tuy nhiên, tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk từng công khai chỉ trích công nghệ của Austin Russell là "ngu ngốc, đắt tiền và không cần thiết".

Austin Russell biết suy nghĩ của Elon Musk về công nghệ lidar nhưng không bị lung lay.

"Tôi nghĩ 50 đối tác thương mại và phần đông các nhà sản xuất ô tô chúng tôi đang làm việc cùng sẽ không đồng tình với ý kiến đó. Máy ảnh và các hệ thống khác là lựa chọn tuyệt vời để hỗ trợ lái xe. Song một chiếc cảm biến lidar hiệu suất cao là cần thiết với dòng xe tự lái", anh phản bác.
Elon Musk từng chỉ trích công nghệ của Austin Russell. Ảnh: TNS, @luminartech.

Lam Phương
Theo CNBC Make It, SCMP, Forbes, Nhịp sống kinh tế
Bookmark and Share      In      Gửi phản hồi
 
* Họ và tên
* Email (will not be published)
!
 
Các bài viết: