Quá khứ thăng trầm của Tòa nhà lớn nhất thế giới ở Trung Quốc: Ông chủ bị bắt ngay trước ngày khai trương, mất trắng tài sản sau 5 năm điều tra được kết luận "trong sạch"

The New Century Global Centre được xem là công trình kiến trúc lớn nhất thế giới, với diện tích sàn 1,76 triệu m2, bằng 246 sân bóng đá, gấp ba lần Lầu Năm Góc và tám lần Bảo tàng Louvre, chỉ hoàn thành vỏn vẹn trong ba năm. Tuy nhiên, ngay trước ngày khai trương, ông chủ tòa nhà này là Deng Hong đã bị cáo buộc hối lộ trong vụ án điều tra tham nhũng vào giai đoạn khắp Trung Quốc tiến hành "đả hổ diệt ruồi".
Ông Deng Hong được biết đến với biệt danh "vua hội nghị". Trong nhiều năm, ông đã biến nhiều vùng đất nông nghiệp thành các trung tâm hội nghị và khách sạn xa hoa. The New Century Global Centre chính là thành tựu đỉnh cao của ông.

Đó là một khối siêu phức hợp gồm một công viên nước khổng lồ với bãi biển nhân tạo 5.000 m2, sân trượt băng, rạp chiếu phim 15 màn hình, khách sạn 1.000 phòng, nhiều văn phòng, hai trung tâm thương mại siêu lớn và đội cứu hỏa riêng…

Những thăng trầm của tòa nhà lớn nhất thế giới này một lần nữa cho thấy mâu thuẫn kinh điển giữa tiềm năng to lớn của Trung Quốc và những trục trặc của hệ thống quản lý kinh tế.

The New Century Global Centre hiện nay tọa lạc trên mảnh đất mà nhiều năm trước là đất canh tác của làng Yumin. Năm 2005, chính quyền Thành Đô bắt đầu di dời người dân Yumin đến các khu tái định cư. Đến tháng 9 năm 2008, công ty của ông Deng đã mua lại khu đất với giá chỉ 480 triệu nhân dân tệ.
Câu chuyện của làng Yumin cũng là điển hình cho quá trình "thay da đổi thịt" của Trung Quốc. Các đại doanh nghiệp đã tác động chính sách để thần tốc quá trình đô thị hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của họ.

Vào những năm 1990, Trung Quốc mới quyết định đánh giá năng lực quan chức địa phương bằng thước đo sự phát triển kinh tế thuộc vùng trách nhiệm của họ. Các quan chức địa phương bắt đầu cạnh tranh với nhau để thu hút doanh nghiệp, biện pháp thường thấy là cung cấp cho họ đất đai, giảm thuế và lao động giá rẻ.

The New Century Global Centre phản ánh hết tất cả câu chuyện trong mô hình phát triển hai mươi năm trở lại đây của Trung Quốc.

Đất đai là một công cụ hữu hiệu cho các quan chức địa phương thu hút đầu tư. Họ có thể đưa ra giá thuê hấp dẫn trong dài hạn để thu hút các doanh nghiệp. Tại tỉnh Tứ Xuyên, tiền bán đất mang lại nguồn thu không thua tiền thuế.
Thông qua quan hệ thân hữu, ông Deng Hong đã phải "hỗ trợ" cho quan chức thành phố Thành Đô một trung tâm nghệ thuật, một công viên cảnh quan và một khu phức hợp thương mại, mới mua được khu đất xây dựng Global Centre với giá rẻ. Mặt khác, Deng cũng được cho là có mối quan hệ thân thiết với người đứng đầu Thành Đô.

Ông Deng mua mảnh đất này ngay trước khi giá đất bắt đầu tăng mạnh. Một cuộc bùng nổ xây dựng xảy ra sau đó. Để thu hút nhiều gói kích thích của chính phủ, các địa phương đua nhau quy hoạch và xây dựng thêm nhiều khu dân cư, khu đô thị lớn…

Không gian bên trong Global Centre mang đến một tương lai đầy hứa hẹn của thương mại Trung Quốc. Khu phức hợp xoay quanh một giếng trời, sàn lát đá cẩm thạch bóng loáng được bao bọc bởi những chiếc thang cuốn dài dát vàng. Ngay phía trước là công viên nước. Điểm thu hút chính của công viên là một hồ bơi tạo sóng nhân tạo. Hàng trăm người lướt sóng dưới nền âm nhạc sôi động và các DJ mặc bikini nhảy nhót. Cảnh tượng này cho thấy viễn cảnh của chủ nghĩa tiêu dùng của nền kinh tế Trung Quốc.

Hiện nay, The New Century Global Centre vẫn hoạt động. Ba mươi nghìn nhân viên làm việc ở các văn phòng. Tuy nhiên, nó không còn thuộc quyền sở hữu của Deng, mà là của một công ty Nhà nước.
Ông Deng dính líu đến vụ bắt giữ hơn 50 quan chức địa phương. Vụ án được kết lại sau 5 năm điều tra. Ông Deng đã được trả tự do và trở lại kinh doanh với kết luận "trong sạch".

Ngay sau khi ông Deng gặp rắc rối pháp lý, ông đã bán nhiều tài sản bao gồm Global Centre để giải quyết. Một nhà quản lý quỹ địa phương đánh giá rằng việc bảo trì (dự án) quá đắt và lợi nhuận quá thấp. Công viên nước chỉ hoạt động hiệu quả trong nửa năm, quá tốn kém nếu duy trì vào mùa đông vì không có khách. Cửa đi và 200 thang máy bắt đầu hỏng. Nước mưa thấm qua mái nhà…

Sau đó, Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Đô thị Vân Nam, một công ty thuộc sở hữu nhà nước đã mua lại tòa nhà, khép lại một giai đoạn trỗi dậy ngắn ngủi, huy hoàng vụt tắt của khu vực kinh tế tư nhân Trung Quốc.

Ngọc Đức
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Bookmark and Share      In      Gửi phản hồi
 
* Họ và tên
* Email (will not be published)
!
 
Các bài viết: