AI không đe dọa việc làm của bất kỳ ai, nhưng những người biết về AI sẽ làm cho bạn thất nghiệp!

08/07/2024 - PSG. TS Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông - ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, “đúng là tiềm năng ứng dụng to lớn của AI trong các lĩnh vực có thể đe dọa việc làm của nhiều người nhưng có một câu nói kinh điển của Giáo sư Richard Baldwin người Thụy Sĩ phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2023: “AI không đe dọa việc làm của bất kỳ ai, nhưng những người biết về AI sẽ làm cho bạn thất nghiệp”.
Có ý kiến cho rằng, AI sắp thay thế phần lớn công việc của con người trong những năm tới và việc sử dụng AI sẽ trở thành kỹ năng cơ bản mà nhà tuyển dụng yêu cầu nhân sự phải có trong tương lai gần. Ông có góc nhìn thế nào về vấn đề này?

Với sự phát triển của khoa học - công nghệ nói chung và AI nói riêng, trong vòng 10 năm trở lại đây, trí tuệ nhân tạo có những phát triển đột phá. Đặc biệt, với sự ra đời của các mô hình ngôn ngữ lớn, với ứng dụng phổ biến là ChatGPT, lần đầu tiên người dùng được trải nghiệm về một loại AI đem lại sự mường tượng về một công nghệ có thể thay thế con người ở nhiều kỹ năng, đó chính là AI tạo sinh.

Đúng là tiềm năng ứng dụng to lớn của AI trong các lĩnh vực có thể đe dọa việc làm của nhiều người nhưng có một câu nói kinh điển của Giáo sư Richard Baldwin người Thụy Sĩ phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2023: “AI không đe dọa việc làm của bất kỳ ai, nhưng những người biết về AI sẽ làm cho bạn thất nghiệp”. 

Tức là, tới đây nếu những nhân lực không chuẩn bị kiến thức để có thể sử dụng, hoặc thậm chí phát triển các công cụ AI một cách hiệu quả trong công việc hàng ngày thì nhân lực đó rất dễ bị đào thải.

Thực tế, tôi nghĩ rằng sẽ còn rất lâu AI thay thế được con người, nhưng chắc chắn hiểu biết và có khả năng ứng dụng AI trong công việc sẽ là kỹ năng thiết yếu của mỗi lao động.
 
 
Điều này dẫn đến việc, chúng ta phải thay đổi chương trình đào tạo, thậm chí từ bậc phổ thông, chúng ta cũng nên bắt đầu dạy cho các em nhỏ những kiến thức cơ bản về AI, đặc biệt các ứng dụng của AI ngay trong học tập và thực tiễn, để dần hình thành trong các em những kỹ năng cần thiết và cả sự đam mê về một lĩnh vực rất thiết yếu của tương lai này.

Tại Trường CNTT và Truyền thông, việc đào tạo về AI, hay bổ sung các kỹ năng AI cho sinh viên đang được thực hiện như thế nào?

Chúng tôi đã đưa ba môn nhập môn Trí tuệ nhân tạo, Học máy và Học sâu trở thành môn cơ sở ngành, dạy từ năm hai, năm ba. Trước đây, 3 môn học này thuộc khối kiến thức chuyên sâu, không phải chương trình đào tạo nào cũng có, còn bây giờ chúng đã trở thành kiến thức “cơ sở cốt lõi ngành CNTT&TT”.

Từ đó, sinh viên được làm quen và nhận thức được AI không còn là kiến thức bậc cao nữa mà trở thành kiến thức cốt lõi. Qua đó, các bạn sinh viên sẽ có thay đổi trong nhận thức, hiểu được AI bây giờ không còn là một sự lựa chọn mà là bắt buộc. Và bất kỳ một sinh viên nào tốt nghiệp ở Trường CNTT và Truyền thông đều phải làm làm chủ được các kiến thức chuyên sâu xoay quanh ba môn học đó.

Với toàn sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, theo định hướng cũng sẽ bổ sung các kiến thức liên quan đến AI cho tất cả các ngành khác nhau trong năm tới đây.

Ngoài ra, chúng tôi cũng luôn theo dõi sự phát triển của khoa học – công nghệ, và đặc biệt là nhu cầu việc làm để kịp thời xây dựng các chương trình đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển, như từ năm 2019, chúng tôi đã tiên phong mở chương trình cử nhân khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, và đến năm nay chúng tôi vừa mở chương trình Kỹ sư chuyên sâu về Trí tuệ nhân tạo tạo sinh, khi mà lĩnh vực này vừa có những bước phát triển đột phá trong 2 năm trở lại đây, với sự ra đời của ChatGPT.
 
Như ông nói: “Nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao có vai trò to lớn của một dân tộc”. Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, làm thế nào để chúng ta tận dụng được tốt nguồn lực này?

Có điều kiện đi nhiều nơi, tôi được chứng kiến và thấy phẩm chất về năng lực của người Việt không thua kém các nước khác, chưa kể chúng ta lại có lợi thế khi khá chú trọng đến đào tạo khoa học tự nhiên, đặc biệt là Toán ở bậc phổ thông. Chúng ta lại đang ở thời kỳ dân số vàng. Chắc chắn đây là những tiền đề rất tốt để có được nguồn nhân lực khoa học – công nghệ chất lượng cao. 
 
 
Câu chuyện bây giờ là làm thế nào để tạo bệ phóng và phát huy được hết năng lực của người trẻ thì về bản chất ta vẫn phải quay lại chủ đề chính: rất cần phải có một chính sách xuyên suốt và căn cơ về đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

Mà theo tôi thì để tận dụng hết tiềm năng, chúng ta phải dành sự quan tâm tới cả lực lượng tinh hoa (vốn chiếm số ít) và lực lượng phổ thông (vốn chiếm tỷ lệ nhiều hơn). Thực sự, không thể nói lực lượng nào quan trọng hơn, nhưng chúng ta cần cung cấp cho họ các dịch vụ đào tạo phù hợp để họ có thể phát huy được một cách tốt nhất năng lực của mình.

Và với vai trò định hướng, Nhà nước cần xây dựng một chiến lược đào tạo tổng thể với sự tham gia của các thành phần xã hội với các vai trò và sứ mệnh khác nhau, cũng như một chính sách đầu tư, hỗ trợ bài bản, căn cơ cho các cơ sở đào tạo và người học một cách hài hoà, hợp lý.

Ở giai đoạn này, chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo mô hình của các nước trên thế giới đã trải qua thời kỳ mà tình hình kinh tế - xã hội như ta ở thời điểm hiện tại để từ đó, học hỏi thêm được các bài học kinh nghiệm để rút ra con đường đi riêng của Việt Nam trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tận dụng tiềm năng con người to lớn của đất nước trong giai đoạn rất quan trọng này.

Cảm ơn ông!

Bài: Bình Minh - Thiết kế: Hải An
Theo antt.nguoiduatin.vn
Bookmark and Share      In      Gửi phản hồi
 
* Họ và tên
* Email (will not be published)
!
 
Các bài viết: