Các startup ở Mỹ ‘tung cờ trắng’ vì cạn tiền

10/06/2023 - Tốc độ ngừng hoạt động, bán tháo tài sản và thay đổi chiến lược kinh doanh của các công ty khởi nghiệp (startup) ở Mỹ đang tăng nhanh trong bối cảnh nguồn vốn mới từ các nhà đầu tư mạo hiểm và các khoản vay ngân hàng ngày càng khan hiếm và đắt đỏ.
Startup Zume ở California, sử dụng robot để sản xuất pizza và từng được định giá 2,25 tỉ đô la, gần đây đã thuê công ty tư vấn Sherwood Partners để bán tài sản và đóng cửa. Ảnh: Bloomberg

Đối với nhiều startup, tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào thời điểm này gần như là điều bất khả thi. Một số mô hình kinh doanh của họ tỏ ra hiệu quả khi tiền rẻ còn dồi dào, nhưng hiện tại không bền vững. Điều đó có nghĩa là họ đang cạn kiệt tiền mặt và phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn bao gồm đóng cửa, thanh lý tài sản.

“Sự kiện tuyệt chủng hàng loạt đối cho các startup đang diễn ra”, Tom Loverro, đối tác của Công ty đầu tư mạo hiểm IVP (Mỹ), viết trên Twitter gần đây. Loverro cho biết không có công ty nào trong danh mục đầu tư của công ty ông đóng cửa gần đây, nhưng ông dự báo làn sóng khởi nghiệp thất bại đang bắt đầu ập đến.

“Toàn bộ ngành công nghiệp đầu tư mạo hiểm đã chè chén say sưa và hiện đang gánh chịu hậu quả”, ông nói về cơn bùng nổ đầu tư mạo hiểm vào năm 2021 mà ông tin rằng sẽ sụp đổ.

Một số nhà đầu tư mạo hiểm đã cảm nhận tác động. Elizabeth Yin, đồng sáng lập và đối tác của Công ty đầu tư tiền hạt giống Hustle Fund, nói: “Giờ đây, khó khăn đang ập đến”.

Trong một quỹ mà Yin quản lý, chỉ khoảng 60 trong số 101 startup trong danh mục đầu tư ban đầu còn hoạt động. Cách đây một năm, vẫn còn 90 startup hoạt động.

“Tôi đã tính trước rằng ít nhất một nửa trong số công ty này sẽ ‘chết’ trong ba năm đầu tiên nhưng điều đó đã không xảy ra”, Yin nói.

Yin không lo ngại rằng làn sóng đóng cửa sẽ có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến lợi nhuận của quỹ mà cô quản lý. Cô cho biết các công ty mới đóng cửa gần đây không có giá trị cao trong danh mục đầu tư của quỹ.

Nhưng làn sóng đóng cửa mạnh hơn nữa của các startup có thể gây thêm áp lực đối với lợi nhuận của ngành đầu tư vốn mạo hiểm đang suy giảm. Tỷ suất hoàn vốn nội bộ hàng năm của các công ty mạo hiểm là âm 7% trong quí 3-2022, mức thấp nhất kể từ năm 2009, theo PitchBook Data.

Trong những tháng gần đây, một số startup ở Mỹ, từng huy động được nguồn vốn đầu tư mạo hiểm đáng kể, đã phải đóng cửa, bao gồm công ty công nghệ sinh học Goldfinch Bio, công ty kinh doanh rượu vang Underground Cellar và công ty công nghệ tài chính Plastiq.

Startup Zume ở California, sử dụng robot để sản xuất pizza trên xe tải van và từng được định giá 2,25 tỉ đô la, gần đây thuê công ty tư vấn Sherwood Partners để bán tài sản và đóng cửa. Công nghệ sản xuất pizza tự động vấp phải những thách thức kỹ thuật, chẳng hạn như giữ cho pho mát nóng chảy không bị trượt ra ngoài trong khi pizza được nướng trong xe tải đang di chuyển.

Martin Pichinson, đồng chủ tịch của Sherwood Partners, công ty chuyên tư vấn và xử lý tái cấu trúc doanh nghiệp, ghi nhận tính đến cuối tháng 4 hoạt động kinh doanh của Sherwood tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, dù “cơn bão thậm chí còn chưa bắt đầu”.

Một số nhà quan sát tin rằng cơn bùng nổ đầu tư vốn mạo hiểm vào năm 2021, cũng như khoản hỗ trợ của chính phủ Mỹ dành cho doanh nghiệp nhỏ trong thời kỳ đại dịch, có thể đã giúp một số startup sống sót lâu hơn. Giờ đây, nguồn vốn hỗ trợ đó đã cạn kiệt và những cú sụp đổ đang xuất hiện.

“Hầu hết các công ty chúng tôi đang xử lý hiện nay đáng lẽ phải ngừng hoạt động từ một hoặc hai năm trước”, Barry Kalander, Chủ tịch của KallanderGroup, công ty cung cấp dịch vụ tái cơ cấu và giải thể doanh nghiệp, nói.

Các starup ở Mỹ đã huy động được 346 tỉ đô la vốn đầu tư mạo hiểm trong năm 2021, theo báo cáo của PitchBook-NVCA Venture Monitor. Các nhà đầu tư và người sáng lập cho biết nhiều startup đang sống sót nhờ nguồn vốn dồi dào đó.

Một số startup hy vọng họ có thể vượt qua tình hình khó khăn hiện tại và chờ thị trường phục hồi để xem xét tiến hành IPO.

Các cổ phiếu công nghệ bắt đầu mạnh lên với chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ tăng hơn 26% trong năm nay tính đến ngày 8-6.

Tuy nhiên, thị trường vốn mạo hiểm vẫn đang suy yếu. Các startup ở Mỹ chỉ huy động được 37 tỉ đô la trong quí đầu tiên của năm nay, giảm 55% so với ba tháng đầu năm ngoái. Thị trường vốn mạo hiểm suy thoái càng lâu, càng có nhiều startup tiến gần đến thời điểm thử thách thực sự.

Andrew Firestone, đồng sáng lập và cựu giám đốc hoạt động của startup bất động sản Watson Living, có trụ sở ở New York, cho biết công ty ông đã đóng cửa vào cuối năm ngoái. Công ty này phát triển một ứng dụng ngân hàng có kết nối với thẻ ghi nợ để các chủ nhà gửi tiền thưởng cho người thuê mỗi khi họ trả tiền thuê đúng hạn, gia hạn sớm hợp đồng thuê hoặc giới thiệu khách thuê mới.

Bằng cách này, các chủ nhà có thể giữ chân những người thuê nhà và nhận tiền thuê đúng hạn. Watson Living tính phí đối với các chủ nhà đăng ký sử dụng ứng dụng này. Năm 2021, Watson Living huy động được 2,5 triệu đô la vốn tài trợ hạt giống với mức định giá khoảng 15 triệu đô la. Tuy nhiên, sản phẩm của Watson Living quá phức tạp và không đủ hấp dẫn để thuyết phục các chủ nhà tham gia.

Khoảng 45% trong số 1.100 startup ở Mỹ huy động vốn trong vòng tài trợ hạt giống vào năm 2017 chưa tiến hành vòng gọi vốn tiếp theo, theo Carta, nhà cung cấp phần mềm phân tích dữ liệu của khách hàng cho các startup.

Thành công của các startup là rất hiếm. Trong số gần 5.000 startup ở Mỹ huy động vốn lần đầu từ năm 1995 đến 2013, chỉ có 16% đã được các công ty khác mua lại với mức giá có lãi hoặc tiến hành IPO trong vòng 7 năm. Đó là kết quả từ báo cáo nghiên cứu của giáo sư Honggi Lee ở Đại học New Hampshire và hai nhà nghiên cứu khác.

Lee cho biết tỷ lệ thất bại của các startup có thể tăng lên trong thời kỳ suy thoái. Ông nói: “Nếu cạn tiền, các startup buộc phải ngừng hoạt động”.

Samantha Ettus, người sáng lập và CEO của startup công nghệ tài chính Park Place Payments, đã phải hành động nhanh chóng khi nhà đầu tư lớn nhất trong một vòng gọi vốn không gửi séc vào tháng 9 năm ngoái. Ettus buộc cắt giảm chi phí hoạt động, huy động 440.000 đô la tài trợ bắc cầu từ các nhà đầu tư hiện tại và thuê một ngân hàng đầu tư để bán tài sản.

Chánh Tài
Theo WSJ
Bookmark and Share      In      Gửi phản hồi
 
* Họ và tên
* Email (will not be published)
!
 
Các bài viết: