Lạm phát trở thành thước đo cho quyền năng của những thương hiệu toàn cầu

03/05/2021 - Lạm phát tăng cao, giá các sản phẩm chắc chắn sẽ tăng theo bởi áp lực được đẩy lên vai người tiêu dùng. Tuy nhiên, tăng giá sẽ tạo ra sự phân cấp rõ ràng với các thương hiệu toàn cầu.

Các nhóm hàng tiêu dùng có nguy cơ mất thị phần khi họ tìm cách bù đắp chi phí đầu vào đang tăng mạnh mẽ. Cụ thể, giá nguyên liệu thô đã đạt mức cao kỷ lục trong nhiều năm. Một phần lý do của cú tăng này tới từ tác động của đại dịch Covid-19 lên lực lượng lao động và hậu cần. Ngoài ra, các quốc gia như Trung Quốc cũng đang tích trữ hàng tồn kho….

Dầu cọ, thứ nguyên liệu được sử dụng trong công nghiệp thực phẩm và hàng tiêu dùng như bánh pizza, sô cô la tới son môi, dầu gội đầu… đã tăng lên mức cao chưa từng có kể từ năm 2008 do tình trạng thiếu hụt lao động nhập cư. Các loại dầu thực vật khác cũng đang tăng giá do nhu cầu của Trung Quốc và sự phát triển nhiên liệu sinh học. Sữa và ngũ cốc cũng bị ảnh hưởng. Ở châu Âu, giá sữa đã tăng 50% kể từ đầu năm.

Giá nguyên liệu phục vụ mục đích đóng gói sản phẩm đang ở mức cao chưa từng có trong lịch sử.

Chi phí đóng gói cũng đã tăng 40% so với thời điểm bắt đầu năm 2020 vì nhu cầu tăng cao. Giá các nguyên liệu để làm bao bì cũng tăng mạnh. Trong ngành công nghiệp thực phẩm, bột mì, trứng, pho mát… cũng có thể dễ dàng tăng giá. Các sản phẩm phục vụ những nhu cầu cụ thể, chẳng hạn như kem dưỡng da cũng sẽ đắt đỏ hơn.

Một số nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới đang đẩy giá các sản phẩm, từ bỉm tới bánh mì kẹp thịt. Điều này sẽ trở thành một phép thử cho vị thế của thương hiệu khi chi phí đầu vào cao hơn được chuyển lên vai các hộ gia đình. Nestlé, Procter & Gamble và Unilever nằm trong số các tập đoàn toàn cầu đề ra kế hoạch tăng giá sản phẩm sau khi giá nguyên liệu tăng vọt và chi phí vận chuyển, đóng gói cũng tăng đột biến.

Graeme Pitkethly, giám đốc tài chính của Unilever, chia sẻ với truyền thông: "Chúng ta đang chứng kiến đợt lạm phát giá hàng hóa cao nhất trong thập kỷ qua". Mark Schneider, giám đốc điều hành của Nestlé, nói rằng: "Đây là một môi trường rất biến động với nhiều điều bất ngờ có thể xảy ra. Chúng tôi sẽ tiến hành bước định giá".

Trong khi Nestlé, Unilever, Reckitt Benckiser và các đối thủ của họ cho biết hầu hết chi phí sản xuất đều đã tăng, người tiêu dùng vẫn chưa bị tác động. Tuy nhiên, những biến đổi bước ngoặt có thể sắp xảy ra khi các hợp đồng bảo hiểm rủi ro hết hạn và các nhà sản xuất phải đàm phán lại với các nhà bán lẻ về giá.

Tại Mỹ, Procter & Gamble và Kimberly-Clark đã công bố mức tăng giá sản phẩm từ 4-9%, dự kiến được áp dụng vào cuối năm nay, bao gồm các mặt hàng thiết yếu như tã lót và giấy vệ sinh.

Will Hayllar, đối tác quản lý toàn cầu của công ty tư vấn chiến lược OC&C, cho biết: "Nhìn chung, kinh nghiệm cho thấy lạm phát giá nhanh sẽ ảnh hưởng tới ngành hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó sẽ được chuyển tới túi tiền của người mua".

Bruno Monteyne, nhà phân tích tại Bernstein, cho biết những thương hiệu mạnh trong phân khúc cao cấp hoặc đang phát triển của thị trường sẽ nhanh chóng trở nên đắt đỏ hơn. Trong khi những thương hiệu yếu hơn sẽ thực sự phải đối mặt với thách thức sống còn khi buộc phải tăng giá sản phẩm. Họ sẽ thấy rất khó để vượt qua được lạm phát.

Giá dầu cọ tăng vọt trong hơn 1 năm qua.

Theo Monteyne, sẽ có những thương hiệu tiếp tục được người tiêu dùng lựa chọn khi tăng giá. Tuy nhiên, cũng có những thương hiệu chật vật khi đối đầu với làn sóng này. Khi thương hiệu chưa thực sự đủ hấp dẫn, việc tăng giá quá nhanh có thể khiến họ mất đi thị phần vào tay đối thủ.

Trong những lĩnh vực đang lên như chăm sóc vật nuôi, việc tăng giá sẽ gặp ít khó khăn hơn nhưng đồ uống có cồn và các sản phẩm "gây nghiện khác", chẳng hạn như sô cô la và đồ ăn nhẹ, lại có vẻ rất dễ bị tổn thương. Giá tăng có thể dẫn tới việc giảm nhu cầu. Đối với những sản phẩm này, nhà sản xuất có thể phải tăng giá bằng cách giữ nguyên mức giá hiện tại nhưng giảm số lượng xuống hay khuyến mại bằng phiếu mua hàng thay vì điều chỉnh giá niêm yết.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp không muốn thừa nhận nguy cơ tăng giá. Nestle tuyên bố sẽ làm mọi thứ để bù đắp thâm hụt do chi phí đầu vào tăng cao. François-Xavier Roger, giám đốc tài chính tại Nestlé, nhấn mạnh tới việc tăng năng suất, hiệu quả, kết hợp sản phẩm và đổi mới để giảm chi phí sản xuất sản phẩm.

Trong khi đó, Unilever lại cho biết họ sẽ tìm cách tránh tăng giá đến khi nào còn có thể. "Chúng tôi hoạt động ở những thị trường rất cạnh tranh. Chính vì thế, giá cả là công cụ cuối cùng chúng tôi phải dùng đến chứ không phải lựa chọn đầu tiên", Pitkethly của Unilever cho biết.

Dẫu vậy, việc tăng giá là điều khó tránh khỏi, đặc biệt là khi người tiêu dùng hoàn toàn không có lựa chọn nào khác khi những sản phẩm họ sử dụng hàng ngày đều đang được một số doanh nghiệp chi phối hay thậm chí là thống trị. Quyền lực duy nhất nằm trong tay người tiêu dùng là chọn mua sản phẩm của doanh nghiệp này hay doanh nghiệp khác.

"Thương hiệu là một cách đánh thuế cảm xúc của bạn. Chúng ta càng quan tâm đến hàng hóa của doanh nghiệp nào, chúng ta sẽ lại càng mua nhiều ở đó", nhà phân tích Monteyne cho biết. Chính điều này khiến các thương hiệu chứng tỏ được quyền lực trong lĩnh vực của mình.

Linh Anh
Theo Trí thức trẻ
Bookmark and Share      In      Gửi phản hồi
 
* Họ và tên
* Email (will not be published)
!
 
Các bài viết: