Vì sao đang được các quỹ ngoại săn đón, startup trẻ đẹp như Base lại lựa chọn “về chung nhà” với “anh cả hội cao tuổi” FPT?

06/05/2021 - Dù không tiết lộ con số cụ thể nhưng chắc hẳn, thương vụ này không chỉ dừng lại ở việc “được giá thì bán” mà ẩn sau đó là toan tính của cả 2 vị lãnh đạo, trước khi quyết định trở thành "người nhà" của nhau.

Tối ngày 4/5 đã diễn ra một sự kiện M&A “bom tấn” trong ngành công nghệ, khi FPT công bố hợp tác Base và sở hữu đa số cổ phần. Điều này đồng nghĩa với việc Base trở thành một thành viên của Tập đoàn FPT.

Sự kiện này đã gây bất ngờ cho không ít người bởi trước đó, gần như không có một dấu hiệu nào từ Base cũng như FPT cho thấy 2 bên sắp trở thành người nhà của nhau. Trong khi đó, nhiều ý kiến thắc mắc tại sao Base - công ty khởi nghiệp “có số má”, được các quỹ ngoại săn đón và gọi vốn thành công liên tục, đã có lãi, có tệp khách lớn và đang tiếp tục phát triển, sản phẩm được đánh giá cao, lại chịu bán mình cho tập đoàn công nghệ khác.

Dù không tiết lộ con số cụ thể nhưng chắc hẳn, thương vụ này không chỉ dừng lại ở việc “được giá thì bán” mà ẩn sau đó là toan tính của cả 2 vị lãnh đạo: Chủ tịch FPT - Trương Gia Bình và CEO Base - Phạm Kim Hùng.

Vậy hai doanh nghiệp này có điểm gì chung để trở thành “mảnh ghép” của nhau?

Thứ nhất và cũng là điểm chung lớn nhất có thể thấy giữa Base và FPT, đó là họ cùng nhắm đến thị trường 800.000 doanh nghiệp SMEs tại Việt Nam.

Trong buổi lễ ký kết tối 4/5, ông Trương Gia Bình thẳng thắn bày tỏ: “Sau khi tìm hiểu và nói chuyện với Hùng, chúng tôi nhận ra là chúng tôi có rất nhiều tiếng nói chung. Hơn nữa, chúng tôi luôn tự nhận là FPT thường có những mục tiêu và giấc mơ viển vông ‘điên cuồng’, song tôi thấy Base còn ‘điên cuồng’ hơn cả FPT.

Trong 30 phút đầu đàm thoại, tôi và CEO Base đều nói những thứ giống nhau. Hiện Base có 5.000 khách hàng trong đó có rất nhiều SMEs, trong khi FPT mới bắt đầu chập chững bước vào thị trường; mà cả FPT lẫn Base đều muốn chinh phục toàn bộ 800.000 SMEs ở Việt Nam.

Sau khi thống lĩnh thị trường chuyển đổi số Việt Nam, cả hai đều muốn ‘đánh chiếm’ thế giới. Base muốn có tên trên bản đồ chuyển đổi số khu vực và sau đó là thế giới, còn FPT muốn lọt vào Top 50 Nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số toàn cầu cùng kiếm được nhiều tiền từ thị trường này”.

Tương tự, chia sẻ hậu sự kiện, CEO Base viết trên trang cá nhân: “Tôi gặp anh Bình khi công ty đang hoàn thành những thỏa thuận đàm phán cuối cùng với các quỹ trong khu vực cho vòng Series A, khi mà có khoảng 6 quỹ đã cam kết đồng hành cùng Base. Gặp lại một người anh đáng kính, tôi thực sự bất ngờ vì sự nhiệt huyết của anh, sau bao năm vẫn không đổi. Bất ngờ hơn nữa là bản vẽ về một Enterprise Platform anh kỳ vọng giống hệt như những gì Base đã và đang xây dựng. Hai anh em đã trao đổi với nhau nhiều ngày liền - tất cả đều về sản phẩm và công nghệ. Nhưng có một từ mà hai anh em nói nhiều nhất - không phải Base hay FPT - mà là Việt Nam. Tôi vẫn nhớ câu nói của anh nhắc lại nhiều lần: “Phải cùng nhau làm được những thứ lớn hơn cho Việt Nam"

Thứ hai, sự kết hợp của “tre già” và “măng mọc”.

Trong khi hậu bối Base mới chính thức ra đời từ 2017 thì FPT đã có 33 năm tuổi đời, tức xứng tuổi cha chú. Các lãnh đạo trong FPT hiện cũng là những cây cổ thụ, đã đồng hành cùng tập đoàn hàng chục năm như Chủ tịch Trương Gia Bình, ông Hoàng Nam Tiến, ông Bùi Quang Ngọc,... Và dẫu biết “gừng càng già càng cay” nhưng không thể phủ nhận càng già thì cũng càng khó khăn trong việc sáng tạo và tiếp thu cái mới. Đồng thời, FPT vẫn đang chật vật để tìm kiếm thế hệ kế nhiệm cho tương lai.
Trái lại, Base là một công ty khởi nghiệp với đội ngũ nhân lực trẻ trung, từ cấp lãnh đạo đến nhân viên, ngay cả CEO Phạm Kim Hùng nay cũng mới 34 tuổi. Đây là độ tuổi dồi dào cả về sức lực và trí óc, vẫn mang trong mình tinh thần của một người khởi nghiệp. Có lẽ, điều này sẽ trở thành làn gió mới thổi vào bộ máy có phần “già cỗi” của FPT.

Thứ ba, việc về chung một nhà với FPT có thể giúp Base rộng đường xuất khẩu.

Tình trạng của Base - mà theo như CEO Phạm Kim Hùng từng nói trong một bài phỏng vấn năm ngoái, rằng “vấn đề không phải là câu chuyện sống còn nữa, mà là sẽ cố đi được đến đâu, phục vụ được bao nhiêu doanh nghiệp, và có giữ được khát vọng như khi còn nhỏ hay không”.

Trong năm 2019, Base tăng trưởng doanh thu gấp 8 lần, nhân sự tăng gấp 3 lần và hiện có khoảng 240 người. Với số lượng 5.000 doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ theo mô hình SaaS (đăng ký theo kiểu thuê bao điện thoại), ngay cả khi không làm gì thêm mà chỉ tập trung vào khách hàng hiện có, Base vẫn có một nguồn doanh thu ổn định.

Tuy nhiên, dù được các công ty, tập đoàn lớn nhỏ tin cậy như ACB, VIB, Sacombank,... nhưng nhìn chung, độ phủ của Base hiện đang chỉ giới hạn trong nước. Trong khi đó, đàn anh FPT vốn nổi danh là doanh nghiệp đi đầu trong mảng xuất khẩu phần mềm, với các thị trường lớn từ Nhật Bản, châu Âu, đến Hoa Kỳ. Do đó, hoàn toàn có khả năng những kinh nghiệm xuất ngoại, mối quan hệ làm ăn từ đàn anh FPT có thể trở thành đòn bẩy giúp Base dễ dàng hơn trong hành trình chinh phục thị trường quốc tế.

Đồng thời, trước những lo ngại về việc Base bị “FPT hóa”, CEO Phạm Kim Hùng khẳng định: “Sẽ không có bất kỳ một sự thay đổi gì trong chiến lược quản trị và điều hành. Sự khác biệt là kế hoạch phát triển sản phẩm sẽ được làm nhanh hơn do hai bên sẽ cùng nhau tích hợp toàn diện các sản phẩm hiện có lên Base Platform và Base sẽ có thêm sự nguồn lực hỗ trợ từ hơn 17.000 kỹ sư và các chuyên gia công nghệ của FPT.

Câu chuyện ngày hôm nay là một dấu mốc cho kế hoạch 30 năm tiếp theo. Tôi không có ý định sẽ chia sẻ với mọi người kế hoạch này như thế nào, nhưng chắc chắn nó sẽ thú vị và có ý nghĩa hơn rất nhiều so với những thông tin các bạn đang đọc. Nó không phải là một sự kết thúc, mà là sự tiếp nối cho những giấc mơ lớn hơn trong tương lai”.

Hoàng Thùy
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Bookmark and Share      In      Gửi phản hồi
 
* Họ và tên
* Email (will not be published)
!
 
Các bài viết: