Xây dựng đội ngũ Doanh Nhân hội nhập

VnEconomy - Hội nhập sâu rộng không chỉ đem đến cơ hội mà còn mang tới nhiều thách thức to lớn cho các doanh nhân, doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Nhiều doanh nhân, DN đã không thể trụ vững trước bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. VN rất hiếm sản phẩm có chỗ đứng trên kệ hàng của các thị trường phát triển, cũng chưa có thương hiệu nào thực sự ở tầm quốc tế. Trong khi đó, hàng hoá nước ngoài đã và đang tràn ngập thị trường, len lỏi mọi ngóc ngách trong gia đình Việt. Nếu chúng ta không có được đội ngũ doanh nhân hội nhập mà mãi làm khán giả của doanh nhân nước ngoài, cứ an nhiên với “cuộc xâm lăng kinh tế” ấy thì nền kinh tế chẳng khác nào bị đỉa cắn, không thấy đau nhưng thực chất đang rỉ máu và chúng ta cứ mãi nghèo đi trong khái niệm phát triển. Đây là nhận định của ông Nguyễn Liên Phương, GĐ Học viện Doanh nhân LP, Chủ tịch LP Group khi trao đổi với phóng viên Thời báo KTVN.

Ông Nguyễn Liên Phương.
Ảnh: Huyền Ngân
Vậy, hội nhập không thực sự mang lại cơ hội rộng mở cho các doanh nhân Việt?

Bước vào hội nhập, số DN phát triển bùng nổ trong thời kỳ đổi mới 1996 - 2006 đã phải đóng cửa rất nhiều do không đủ năng lực cho cuộc chơi lớn. Đội ngũ trụ lại đa phần có quy mô ngày càng nhỏ dần. Trong khi DN Việt yếu đi thì dòng đầu tư nước ngoài vào tiếp tục phát triển mạnh. Sân nhà bị DN nước ngoài thôn tính cả thị trường lẫn thương hiệu, khó khăn với DN Việt ngày càng nặng nề. Cuộc thôn tính này có thể coi như cuộc chiến kinh tế, một bên quá yếu, một bên quá mạnh. Số doanh nhân giữ được khí thế làm ăn xưa kia không thiếu, nhưng số dám và biết cách tham gia cuộc chơi hội nhập rất ít. Chúng ta không dám đóng gói (gắn thương hiệu, nhãn hiệu của mình), cứ mải miết đóng bao xuất khẩu nguyên liệu thô, sơ chế hoặc gia công lắp ráp cho DN nước ngoài.

Hai từ “đóng gói” nghe rất đơn giản, nhưng tại sao với chúng ta lại rất khó khăn, thưa ông?
Doanh nhân Việt nói chung có đặc điểm là thích kinh doanh theo lối “ngay và luôn”, vì vậy bán các hàng hóa cơ bản như tài nguyên, nguyên liệu thô, sơ chế hoặc làm gia công lắp ráp, bán hàng cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài dễ có tiền ngay.

Đầu tư cho thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu có khả năng hội nhập là một quá trình khác hẳn, là câu chuyện về đẳng cấp, nó giống như một vận động viên phấn đấu để đạt chuẩn Đại hội thể thao châu lục hay cao hơn nữa là chuẩn Olympic. Quá trình này đòi hỏi doanh nhân phải có tầm nhìn, bản lĩnh, ý chí và phải đầu tư lâu dài. Đầu tư cho thương hiệu hội nhập là một hành trình gian nan, đổi mới sáng tạo không ngừng nghỉ của doanh nhân, DN.

Đầu tư cho thương hiệu hội nhập cũng đòi hỏi nhà nước phải có sự ứng xử đặc biệt về mặt chính sách cho những doanh nhân, DN có ý chí vươn lên hội nhập. Cho đến hiện tại, Việt Nam chưa có chính sách cụ thể nào dành cho thương hiệu hội nhập. Chúng ta mới chỉ có các chương trình XTTM mang nặng tính phong trào. Ngay cả các thương hiệu được gắn nhãn Thương hiệu quốc gia, ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt, không thấy các thương hiệu này đại diện cho Việt Nam ở bất cứ đâu ngoài thị trường nội địa.

Nhìn lon nước “Bò húc” của Thái Lan, thương hiệu đang hiện diện ở 150 quốc gia, chúng ta hiểu sự khác biệt rất lớn giữa doanh nhân Thái và doanh nhân Việt, điều đó giải thích vì sao khi hội nhập, thị phần của doanh nghiệp Việt mất rất nhanh vào tay người Thái ngay trên chính quê hương mình.
 
Tuy nhiên, đã có nhiều hàng hoá của VN được xuất ra nước ngoài, tới cả những thị trường khó tính?

Mấu chốt là phải đóng gói được sản phẩm, có thương hiệu và/hoặc hệ thống bán hàng trên thế giới. Sản phẩm made in Việt Nam xuất khẩu đến trên 200 quốc gia nhưng chủ yếu bằng thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài, giá trị gia tăng thuần Việt rất thấp do chúng ta không có thương hiệu.

Gần đây có cuộc tranh luận thế nào là sản phẩm Việt Nam, và có người cho rằng điện thoại, máy giặt Samsung sản xuất ở Việt Nam cũng là sản phẩm Việt Nam. Đây là tinh thần “tự sướng” rất tai hại. Samsung dù sản xuất ở đâu cũng là sản phẩm của doanh nghiệp Hàn quốc. Nếu chúng ta chỉ lắp ráp sản phẩm thương hiệu Samsung, chúng ta mãi chỉ là người làm thuê cho Samsung mà thôi.

Nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng nguyên nhân để hàng hoá Việt chưa cạnh tranh được là do cơ chế chính sách chưa phù hợp?


Đúng là cơ chế chính sách hiện nay chưa thật sự thuận lợi trong tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng cho mọi chủ thể tham gia, nhà nước cần phải tiếp tục hoàn thiện và thực thi theo đúng tinh thần ‘Nhà nước kiến tạo phát triển”.

Nhưng hay đổ lỗi cũng là đặc điểm của người Việt chúng ta. Xây dựng và phát triển thương hiệu có năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế phụ thuộc vào tài năng, khát vọng, bãn lĩnh, ý chí của doanh nhân là chính. Theo dõi quá trình 20 năm xây dựng thương hiệu cà phê Trung Nguyên của anh Đặng Lê Nguyên Vũ, từ chiếc xe đạp giao hàng lúc khởi đầu trở thành doanh nghiệp có giá trị hàng trăm triệu đô la Mỹ, cũng như nhiều thương hiệu Việt thành danh khác, không thấy có sự cản trở chính sách nào đáng kể. Thực tế là nhiều thương hiệu Việt đã ra đời và lớn mạnh trong điều kiện khá thuận lợi khi thị trường mở bung ra, tiêu chuẩn chất lượng và tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm trong giai đoạn vừa qua ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của các thị trường phát triển.

Nếu chỉ kêu ca trường bắn cũ kỹ, thiếu đạn luyện tập thì chúng ta không thể có Hoàng Xuân Vinh với Huy chương vàng Olympic. Nhưng chúng ta cũng hiểu rằng nếu có trường bắn tiện nghi, súng đạn đầy đủ thì Việt Nam có thể có thêm nhiều Hoàng Xuân Vinh và nhiều Huy chương vàng Thế vận hội.

Như ông đã nói, muốn có được sản phẩm hội nhập thì phải có được đội ngũ doanh nhân hội nhập. Vậy, theo ông, làm thế nào để hình thành đội ngũ doanh nhân này?


Một đất nước không có đội ngũ doanh nhân giỏi, có năng lực hội nhập và hội nhập thành công, đất nước đó sẽ thất bại. Việc an nhiên trước “cuộc xâm lăng kinh tế” của các thương hiệu nước ngoài sẽ giống như bị đỉa cắn, không thấy đau nhưng thực chất là đang rỉ máu và chúng ta cứ thế nghèo dần đi trong khái niệm phát triển.
 
Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Gulfood Dubai 2016

Cần giáo dục và hun đúc cho thể hệ trẻ tinh thần doanh nhân - khát khao tạo ra sản phẩm tốt mang thương hiệu Việt để bán ra thế giới.

Lớp trẻ rất cần có những tấm gương, những thần tượng kinh doanh, làm giàu bằng đổi mới sáng tạo. Song song với việc hoàn thiện thể chế kinh tế, nhà nước cần có chính sách đặc biệt hậu thuẫn cho những doanh nhân, doanh nghiệp có khát vọng và năng lực hội nhập để họ hội nhập thành công và phát triển bền vững. Qua đó tạo niềm tin và cảm hứng khởi nghiệp cho cộng đồng doanh nghiệp và thế hệ trẻ noi theo.

Huyền Ngân thực hiện
Thời báo Kinh tế Việt Nam
Số đặc biệt 02/09/2016

Bookmark and Share      In      Gửi phản hồi
 
* Họ và tên
* Email (will not be published)
!