Nở rộ dịch vụ hỗ trợ các phiên livestream bán hàng

05/05/2024 - Hình thức livestream (bán hàng trực tiếp) trên các nền tảng mạng xã hội đang xuất hiện với tần suất  dày hơn trước. Quy mô các phiên livestream ngày một lớn đã mở ra cơ hội cho các dịch vụ hỗ trợ hạ tầng, quy trình theo nhu cầu của nhà bán hàng.
Livestream bán hàng đang mở rộng quy mô

Thời gian qua, các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội không đứng ngoài cuộc chơi phát triển các tính năng livestream cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ hay các nhà bán hàng quy mô lớn. Theo số liệu từ các nền tảng TMĐT, tại Việt Nam doanh thu livestream bán hàng trên sàn tăng trưởng hơn 200% trong năm 2022 so với năm 2021.

Đơn cử như chương trình livestream bán hàng của chợ Bến Thành đạt doanh thu 4 tỉ đồng chỉ trong 5 ngày. Chương trình livestream bán hàng của Xuân Nghĩa Tình quận 3 đạt doanh thu 1,6 tỉ đồng chỉ trong 3 ngày. Hay cuối tháng 1-2024, ngày hội Mua sắm Tết TPHCM – chợ Thủ Đức trực tuyến chốt được 17.000 đơn qua hình thức bán hàng livestream.

Số liệu thống kê của Shopee đến giữa năm 2023 cho thấy mỗi ngày có khoảng 3.000 người bán thực hiện livestream trên Shopee Live, tạo ra gần 6.000 lượt phát trực tiếp cá nhân. Lượng người xem livestream trên Facebook tăng 2,5 lần so với năm 2021.

Theo Coresight Research, doanh số bán hàng livestream toàn cầu đạt 171 tỉ đô vào năm 2023, tăng gấp 3 lần so với 60 tỉ đô vào năm 2019. Dự báo doanh số sẽ tiếp tục tăng trưởng và đạt 512 tỉ đô vào năm 2025.

Chính từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường livestream, bà Trần Thị Đan Thanh, CEO của MVOTX Network – Tiktok Vietnam, đơn vị cung cấp dịch vụ livestream trọn gói cho biết, tiềm năng của hình thức mua sắm này trong tương lai là rất lớn. Doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng và ứng dụng livestream hiệu quả để tiếp cận khách hàng và thúc đẩy doanh số bán hàng.
Cơ sở vật chất tại phòng live, studio đáp ứng hoạt động livestream hàng ngày của MVOTX. Ảnh: DNCC

Để có những phiên bán hàng đạt doanh số lên đến tiền tỉ, các chuyên gia nhìn nhận, các nhãn hàng cần có sự chuẩn bị kĩ và phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ về nhiều mặt. Cụ thể như chuẩn bị chương trình giá cả, đội ngũ am hiểu về nền tảng, đảm bảo nhân sự có chuyên môn cho khâu hậu kì, công nghệ, đường truyền, địa điểm livestream có cơ sở hạ tầng đáp ứng về âm thanh, ánh sáng, diện tích, bối cảnh…

Ngoài một chiếc điện thoại đơn giản, người ngồi trước màn hình bán hàng cần nhiều hơn thế để thu hút người mua, giữ chân người xem và tạo ra thói quen mua sắm qua sóng trực tuyến.

Bà Dương Hồng Mỹ Linh, quản lý cấp cao bộ phận Nghiên cứu người tiêu dùng NIQ (NielsenIQ) cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng “Shoppertainment” (mua sắm giải trí), việc livestream đang ngày càng trở thành một phương pháp tiếp cận khách hàng phổ biến.

Theo khảo sát gần đây của NielsenIQ, có 95% người mua sắm online đã mua hàng qua livestream trong 3 tháng qua. Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng cẩn trọng hơn với chi tiêu, livestream của người bán cần tập trung vào việc xây dựng nền tảng kiến thức đi kèm với chia sẻ trải nghiệm chân thành. Đây là yếu tố quan trọng để gia tăng sự tin tưởng và kết nối bền vững với người mua hàng.

Dịch vụ hỗ trợ livestream “nở rộ”

Chỉ trong khoảng hơn một năm, GMV đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ livestream GMV Technology đã phát triển hàng chục phòng cho thuê livestream tại ba điểm Hà Nội, Phú Thọ, TPHCM. Đến nay hệ thống này có tổng 120 phòng livestream có diện tích tiêu chuẩn khoảng 8-10 m2 hoặc phòng live lớn cho những phiên livestream mega lên đến 25-30 m2

Ông Nguyễn Sơn Tùng, CEO của GMV nhìn nhận, đây là dịch vụ đang nở rộ, với mô hình xây dựng xưởng livestream như ở Trung Quốc.

Hàng loạt khách hàng như doanh nghiệp, nhà bán hàng nhỏ lẻ, khách cá nhân sẽ có những gói dịch vụ theo nhu cầu. Tuỳ theo thời hạn và ngân sách khác nhau họ sẽ lựa chọn đội ngũ hỗ trợ, nhân sự, máy móc, công nghệ và tư vấn vận hành, phát triển kênh bán trên nền tảng online theo các gói.

Theo ông Tùng, livestream đã có từ lâu, thế nhưng những năm gần đây hoạt động bán hàng này ngày càng bài bản và đòi hỏi đầu tư hơn như một kênh bán hàng thực thụ. Người xem ngoài “săn” những “deal” (giá bán, chương trình) tốt, họ còn muốn xem để giải trí, biết thêm thông tin về sản phẩm, tương tác với người bán…

“Bán hàng trên Tiktok hay Shopee đều có những chính sách nền tảng riêng, nếu chỉ lên đó bán theo kiểu tự phát rất dễ vi phạm quy định và sau đó bị hạn chế, thậm chí cấm bán, nên việc đầu tư, cần thêm tư vấn hỗ trợ từ các đơn vị thứ ba là cần thiết. Chúng tôi đã có những khách hàng trung thành của riêng mình, cơ sở cũng phát triển dần từ 40 phòng đầu tiên”, ông Sơn nhấn mạnh.
Đối tượng khách hàng sử dụng dịch vụ livestream có thể là nhà bán hàng online nhỏ lẻ, doanh nghiệp lớn… tùy vào nhu cầu. Ảnh: DNCC

Được biết, khu cho thuê không gian, các dịch vụ đi kèm để tổ chức phiên bán hàng online hoàn chỉnh của anh có thể thực hiện lên đến 200-300 phiên trong một ngày. Số lượng khách hàng duy trì các gói thuê theo tháng, năm tăng lên. Về các chi phí phải trả khi thuê dịch vụ có thể kể đến như phí cứng, phí mềm.

Tùy vào độ phức tạp, quy mô của buổi livestream hôm đó, đơn vị lấy phí cứng theo giờ thuê khoảng từ 350.000 đồng cho 2 tiếng, phí mềm là những dịch vụ kèm theo như gói truyền thông, tư vấn quảng cáo, vận hành…

Tại MVOTX, bà Đan Thanh đánh giá đây sẽ là xu hướng phát triển kéo dài trong tương lai chứ không phải trào lưu sớm nở tối tàn vì hành vi tiêu dùng, mua sắm của khách hàng đang có sự chuyển đổi rõ rệt. Theo đó, các dịch vụ hỗ trợ cho ngành công nghiệp này đi lên là tất yếu. Chỉ mới khai trương khoảng một tháng, xưởng livestream của bà đã nhận được hợp đồng từ chục nhãn hàng lớn nhỏ, đối tác nước ngoài cũng xâm nhập vào thị trường nội địa để phát triển kênh bán online.

Bà Thanh nhìn nhận, Việt Nam có những thế mạnh riêng để cạnh tranh với các nước trong khu vực. Cụ thể, sự đổi mới sáng tạo trong công nghệ, nội dung kịch bản để làm phiên live ngày càng chỉn chu hơn, đem đến nhiều trải nghiệm mới. “Tôi quan sát thấy mảng livestream chúng ta phát triển hơn Thái Lan, nhưng đi sau Trung Quốc. Từ lợi thế dân số trẻ, am hiểu công nghệ, tiến bộ của internet, Việt Nam hoàn toàn có bước tiến hơn trong tương lai”, bà nói.

Để tổ chức một phiên bán hàng online chuyên nghiệp, đại diện MVOTX cho biết cần nhiều bộ phận để cùng vận hành nhịp nhàng. Nhân sự cần đảm bảo quy trình từ dàn máy móc chuyên dụng, đảm bảo đường truyền đến kịch bản giá cả, điều chỉnh linh động nhịp độ livestream, điều phối tinh thần, truyền tải đúng thông tin. Bên cạnh đó, vai trò nhân sự kinh doanh của nhãn hàng hiểu về sản phẩm, truyền đạt thông tin làm thế nào thu hút người tiêu dùng cũng cần học hỏi, trau dồi kinh nghiệm…

Được biết, tại “xưởng” livestream MVOTX có không gian khoảng 500 m2, công suất có thể 60 phiên live khác nhau chia theo các khung thời gian trong ngày. Với những phiên livestream lớn từ 4-6 tiếng, đầy đủ tất cả các khâu, bộ phận cần khoảng 6-7 nhân sự vận hành.

Ông Hoàng Dũng, CEO của Color Media cho biết, ngành livestream ở Việt Nam còn gặp khó ở vấn đề nhân sự chuyên môn có kiến thức về nền tảng tham gia, hiểu quy trình vận chuyển hàng hóa, quản trị kho bãi… Do đó, với nhóm khách hàng là nhà bán nhỏ lẻ, cá nhân hay khách hàng doanh nghiệp thì sẽ có những dịch vụ riêng phù hợp.
Không gian thực hiện các hoạt động livestream, sản phẩm truyền thông tại Color Media. Ảnh: DNCC

Song dù ở quy mô nào, khi tham gia bán hàng online, nhà kinh doanh phải đầu tư cửa hàng chuyên nghiệp, phải xác định khung giờ mở bán hàng ngày. Nhà kinh doanh cần lên sóng đều đặn, có chương trình khuyến mãi tương tự như một cửa hàng offline để mở rộng khách hàng và xem đây là kênh bán hàng sinh lợi nhuận tiềm năng.

Hoàng An
Thesaigontimes.vn
Bookmark and Share      In      Gửi phản hồi
 
* Họ và tên
* Email (will not be published)
!
 
Các bài viết: